Cty hóa chất số 1 việt nam
Công ty hóa chất thiên đại phúc
Thiên Đại Phúc
Hóa chất công nghiệp
Hóa chất Đồng Nai

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%

Chiều nay (ngày 21/5), Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Tại phiên thảo luận tại các tổ, hầu hết đại biểu Quốc hội đồng tình với việc sửa đổi luật đồng thời đề xuất bổ sung một số điều nhằm hoàn thiện dự án luật.

- Tồn tại nhiều hạn chế, bất cập
Qua gần 4 năm thực hiện, Luật Thuế TNDN đã đạt được mục tiêu sửa đổi đề ra và đánh dấu bước ngoặt quan trọng về cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; đảm bảo nguồn động viên nhằm đáp ứng nhu cầu chi ngân sách nhà nước cho phát triển và bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng thêm nguồn tài chính, tăng tích lũy nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động.
Luật Thuế TNDN hiện hành đã hạ mức thuế suất thuế TNDN phổ thông từ 28% xuống 25%, nâng mức khống chế đối với các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới được trừ của doanh nghiệp mới thành lập từ 10% lên 15% trong 3 năm đầu, kể từ khi được thành lập.
Việc giảm thuế suất thuế TNDN có tác động khuyến khích kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng tích lũy, trên cơ sở đó có thêm nguồn lực để tăng đầu tư vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng; góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước
Nhìn chung, Luật Thuế TNDN cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của nền kinh tế, Luật Thuế TNDN đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế về: Thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế; thuế suất thuế TNDN; xác định thu nhập tính thuế và chuyển lỗ đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản và một số khoản thu nhập mới phát sinh…
Thu nhập từ bất động sản kê khai riêng để nộp thuế
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN quy định: Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, dự án đầu tư, quyền tham gia dự án đầu tư, quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế. Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, quyền tham gia dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản); chuyển nhượng bất động sản nếu lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế.
Về vấn đề này, một số đại biểu Quốc hội tán thành và cho rằng, việc quy định các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, dự án đầu tư, quyền tham gia dự án đầu tư phải hạch toán và kê khai nộp thuế riêng và cho phép bù trừ lãi, lỗ như quy định của dự thảo luật là hợp lý. Bên cạnh đó, vẫn có luồng ý kiến: Trong trường hợp hoạt động này có lãi mà hoạt động sản xuất kinh doanh bị lỗ mà không được bù trừ là không hợp lý. Do đó, đề nghị quy định theo hướng: thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng bất động sản gắn liền với đất được hạch toán riêng để kê khai nộp thuế; trường hợp lỗ thì được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp hoạt động sản xuất kinh doanh chính bị lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản gắn liền với đất.
Cũng có ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung một số khoản thu nhập vào diện chịu thuế như: thu nhập từ hoạt động mua bán, chuyển nhượng doanh nghiệp; thu nhập từ thu hồi tiền đặt cọc... nhằm bảo đảm bao quát đầy đủ, toàn diện các khoản thu nhập phát sinh trong thực tiễn.
Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn 20%
Theo tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội, Luật Thuế TNDN hiện hành quy định mức thuế suất phổ thông là 25%. Để thực hiện chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 là giảm dần mức động viên, tại khoản 6, điều 1 dự thảo luật quy định từ 1/1/2014 áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22%; doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ 1/7/2013. Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất phổ thông là 20% (khoản 6, điều 1) và mức thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17% (khoản 7 Điều 1).
Với việc điều chỉnh thuế suất phổ thông và thuế suất ưu đãi như nêu trên, đồng thời bổ sung đối tượng ưu đãi do rà soát và bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng, dự kiến giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 22.200 tỷ đồng; năm 2016 dự kiến giảm thu ngân sách thêm khoảng 21.190 tỷ đồng đến 21.580 tỷ đồng so với mặt bằng thuế suất 22%.
Phần lớn ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định về giảm thuế suất và lộ trình giảm thuế suất như dự thảo luật và cho rằng, chủ trương giảm thuế suất là bảo đảm phù hợp với chiến lược cải cách thuế; góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy vốn, mở rộng sản xuất nâng cao tính cạnh tranh; đẩy mạnh, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) đồng tình với quy định của dự thảo quy định áp dụng thuế suất phổ thông 20% đối với doanh nghiệp có doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm nhưng đề nghị bỏ quy định về số lao động.
 
Nguồn:  Báo Công Thương

backtop